Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Cơ Khí Và Tự Động Hóa

Cơ khí hóa là quá trình thay thế tác động cơ bắp của con người khi thực hiện quá trình công nghệ chính xác hoặc các chuyển động chính bằng máy. Sử dụng cơ khí hóa cho phép nâng cao năng suất lao động, nhưng không thể thay thế được con người trong các chức năng điều khiển, theo dõi diễn tiến của quá trình cũng như thực hiện một loạt các chuyển động phụ trợ khác. Tự động hóa quá trình sản xuất là giai đoạn phát triển tiếp theo của nền sản xuất cơ khí hóa. Nó sẽ thực hiện phần công việc mà cơ khí hóa không thể đảm đương được. Với các thiết bị vạn năng và bán tự động, các chuyển động phụ(tác động điều khiển) do người thợ thực hiện còn trên các thiết bị tự động hóa và máy tự động thì toàn bộ quá trình làm việc(kể cả các tác động điều khiển) đều được thực hiện tự động nhờ các cơ cấu và hệ thống điều khiển mà không cần có sự tham gia trực tiếp của con người. Như vậy tự động hóa quá trình sản xuất là tổng hợp các biện pháp được sử dụng khi thiết kế quá trình sản xuất và công nghệ mới, tiến hành các hệ thống có năng suất cao, tự động thực hiện các quá trình chính và phụ bằng các cơ cấu và thiết bị tự động mà không cần có sự tham gia trực tiếp của con người. Tự động hóa các quá trình sản xuất luôn gắn liền với việc ứng dụng các cơ cấu tự động vào các quá trình công nghệ cụ thể. Chỉ có trên cơ sở của quá trình công nghệ cụ thể mới có thể thiết lập và ứng dụng các cơ cấu hệ thống tự động. Trong giai đoạn đầu tiên của nền sản xuất tự động hóa, do nhu cầu và điều kiện sản xuất, khả năng của thiết bị, quá trình sản xuất thường được thực hiện theo phương pháp tự động hóa từng phần. Tự động hóa từng phần các quá trình sản xuất là tự động hóa chỉ một số nguyên công đặc biệt của quá trình, các nguyên công còn lại của quá trình vẫn được thực hiện trên các máy vạn năng và bán tự động thông thường. Đặc điểm chung của các thiết bị điều khiển trong giai đoạn này là chúng có hệ thống điều khiển cứng(cam, mẫu, trục phân phối,…) với dung lượng thông tin chương trình bé. Sự ra đời của kỹ thuật số trong những năm 1955 – 1956 đã giúp cho tự động hóa phát triển lên một trình độ mới. Các máy NC, CNC và các MRP(Manufacturing Resourcees Planning) ra đời trong giai đoạn này đã đặt nền móng cho sự xuất hiện trong những năm 1985 – 1990 một hình thức sản xuất mới đó là sản xuất tích hợp. Trong nền sản xuất tích hợp(đôi khi còn được gọi là tự động hóa toàn phần), toàn bộ các công đoạn và nguyên công của quá trình sản xuất từ khâu cấp liệu đến các công đoạn thành phẩm như kiểm tra, đóng gói,… đều được tự động hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét